Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ LÒNG HIẾU THẢO



Câu chuyện về ba vị thần và bông hoa Hiếu Thảo
 Ngày xửa ngày xưa, khi Trái đất còn hoang vu, con người còn sống với nhau trong những hang đá ẩm ướt tốt tăm. Có các vị thần ngự trị trên một đỉnh núi. Đỉnh núi ấy cách rất xa nơi con người ở. Nhưng các vị thần luôn luôn có thể vén mây lên để theo dõi cuộc sống của con người thời ấy.


  Một ngày nọ, có ba vị thần nọ quyết định đi chu du xuống hạ giới một phen để xem cuộc sống của con người ra sao.
Ba vị thần bay mãi, vượt qua rất nhiều tầng mây và đáp xuống một vùng đất cằn khô. Ba vị thần lướt nhanh qua, thấy có bóng dáng của một chàng thanh niên trẻ tuổi đang cuốc đất, dáng điệu vô cùng vất vả. Bên cạnh chàng trai là một túp lều tồi tàn. Ba vị thần nghe thấy cả tiếng rên rỉ của một người trong căn nhà. Đó là mẹ của chàng trai. Mẹ chàng đau yếu đã lâu mà không có cách gì chữa khỏi. Một vị thần toan định giúp chàng trai, nhưng bị hai thần kia ngăn lại. Vì họ chợt thấy có một bóng người khác đang tiến lại gần cậu thanh niên trai trẻ kia.
- Con à, nghỉ tay dùng chút nước đi con.
- Vâng, thưa mẹ. Cậu trai trẻ đỡ lấy gáo nước từ tay mẹ, đưa lên miệng tu một hơi hết sạch.
- Cuốc nốt chỗ này thôi con ạ, phần còn lại để mẹ làm nốt cho.
Chàng trai ngăn mẹ mình lại và bảo:
- Thưa cha, mẹ cứ để đấy con làm cho, nay mẹ đã già yếu, lại còn bệnh nặng, con sẽ cố gắng để ngay ngày mai sẽ lên núi hái thuốc về để chữa bệnh cho mẹ và sẽ cố gắng để cầu xin các vị thần đoái thương cho mẹ con khỏi bệnh.
Nghe người con nói thế, bà lão sụt sùi khóc, nhưng trong mắt ánh lên niềm vui khôn tả.
Ba vị thần rất hài lòng khi thấy cảnh tượng trên, họ muốn thưởng cho tấm lòng của người con, nên đã quyết định thưởng cho chàng vì điều đó. Ngay sáng hôm sau, chàng trai lên đường, chàng vượt qua rất nhiều ngọn núi và cánh rừng. Hôm đó, đã tối trời, mãi mà vẫn chưa tìm được nơi dừng chân nghỉ ngơi.Thấy mình đi lạc vào một cánh rừng nọ, rồi chàng ta bắt gặp ngôi nhà của các vị thần giữa những tán cây hoang vu. Chàng không hề biết đó là nhà của các vị thần những vị thần. Chàng chỉ biết đó là ba ông già râu tóc bạc phơ. Thấy trời đã tối, chàng bèn xin ba ông lão cho ngủ lại qua đêm, ba ông lão bảo đồng ý. Đêm đó chàng cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Rồi chàng bỗng nghe thấy tiếng rì rầm bên buồng của ba ông lão. Chàng lắng tai lắng nghe họ nói chuyện.
- Này ông cả, ông có biết vì sao lại có chàng trai này đến với chúng ta không. Một ông lão hỏi.
- Ồ! Tôi có biết, chàng trai ấy đang đi tìm một phương thuốc để chữa bệnh cho người mẹ của anh ta.
- Vậy ông có biết chàng trai sẽ phải làm gì để tìm được phương thuốc đó không? Ông già thứ nhất hỏi lại.
- Ồ, có chứ. Chỉ cần chàng ta vượt qua thêm 1 ngọn đồi nữa, trèo lên đỉnh núi cao 8 ngàn dặm phía trên kia. Ở đó có một loài hoa sương giá, nở chỉ duy nhất có một lần trong năm, nhưng lộng lẫy suốt cả năm. Loài hoa đó có tên là Hiếu Thảo. Chỉ có những người có một tấm lòng hiếu thảo thì nhất định sẽ vượt qua được ngọn núi và lấy được bông hoa đó. Sau đó phải đem bông hoa ấy về, trồng trong mảnh vườn sau nhà. Chỉ cần ai hít hương hoa ấy mỗi ngày, mọi bệnh tật sẽ tiêu tan. – Ông già thứ ba tiếp lời.
- Thật vậy sao? Vậy thì ai cũng sẽ khỏi bệnh à? Ông già thứ nhất lại hỏi.
- Bông hoa ấy chỉ sống được khi tưới bằng nước giếng trong mà thôi. Nếu tưới bằng nước đục hoặc nước tiểu bẩn thì bông hoa sẽ chết. – Ông già thứ 2 góp chuyện.
Nói đến đây ba ông lão trở nên im lặng, vì họ đã không nghe tiếng thở đều đều của chàng trai nữa. Họ vội vàng tắt đèn và đi ngủ. Chàng trai lắng nghe điều đó, khấp khởi vui mừng, bèn quay vào vách lá ngủ ngon lành đến sáng sớm.
Sáng hôm sau, chàng trai tỉnh dậy, thì thấy mình đang nằm trên một cành cây, ngôi nhà và ba ông lão đã biến mất. Chàng hiểu ra rằng các vị thần đã hiện lên giúp mình. Thầm cảm ơn các vị thần, chàng khấp khởi lên ngựa, phóng qua ngọn đồi, rồi chàng buộc con ngựa vào vách núi, nai nịt gọn gàng, bắt đầu trèo lên đỉnh núi. Gai mọc tua tủa làm đôi chân và đôi tay chàng rớm máu, nhưng chàng nghĩ đến mẹ mình, liền quyết tâm leo lên đỉnh núi. Và nhờ có tấm lòng hiếu thảo trời ban, chàng trai đã lên được trên đỉnh núi, hái về bông hoa Hiếu Thảo. Chàng đem về trồng nó sau vườn nhà mình, ngày ngày gánh nước tưới tiêu cho hoa. Từ đó, mẹ chàng khỏe mạnh lên nhiều.



Một thời gian sau, chàng trai cưới vợ. Nhưng cô vợ này là một người điêu ngoa, luôn cãi lại mẹ chồng. Mẹ chàng trai bản tính hiền lành nên rất mực thương con. Cô ả được thể càng làm hơn, ngày ngày chẳng làm gì, lại còn thường xuyên mắng mỏ mẹ chồng. Chàng trai thì đi làm đồng cả ngày nên không hề biết rằng vợ mình đối xử tệ bạc với mẹ mình.
Một hôm cô ả buồn đi tiểu, nhân lúc không ai để ý, cô ả bèn ra vườn sau tè luôn vào gốc cây hoa Hiếu Thảo. Chẳng bao lâu sau, chàng trai gánh nước trở về để tưới hoa, bỗng thấy hoa kém tươi tắn hơn thường ngày. Thế rồi bông hoa chẳng mấy chốc héo rũ ra, dù chàng có tưới bao nhiêu nước trong vẫn thế.
Và rồi vì không có bông hoa, mẹ chàng qua đời sau đó ít lâu. Chàng trai rất ân hận vì đã không thể cứu chữa cho mẹ được, bèn đến bên nấm mộ mẹ khóc than ngày đêm. Chàng đã chết vì sương đêm lạnh giá.
Còn vợ chàng trai, chẳng bao lâu sau cô ả trở thành người điên, đi đến đâu cũng bị người ta xua đuổi. Thế rồi bặt tăm từ đó.
Thời gian trôi qua, người ta thấy ở cạnh nấm mộ của bà mẹ đã mọc lên một bông hoa trắng tinh như tuyết, và đẫm sương về đêm. Cảm động bởi tấm lòng hiếu thảo của chàng trai, ba vị thần đã hóa phép cho linh hồn chàng được ở trong bông hoa đó, để ngày đêm canh giữ cho mẹ mình.

Trong cuộc sống, tấm lòng hiếu thảo của chúng ta với cha mẹ cũng như bông hoa kia, nếu tưới tắm thường xuyên bằng những cử chỉ quan tâm, yêu thương, thì cha mẹ và con cái sẽ mãi luôn hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta đối xử ngược đãi với cha mẹ thì tất sẽ nhận lấy hậu quả khôn lường.

Lòng hiếu thảo của cậu bé xin chờ xe bus và sự vô cảm của những người xung quanh

Trời vào hè nóng nực, xe bus thì đông kín người khiến ai nấy đều khó chịu. Có một cậu bé chừng 7,8 tuổi bước lên xe. Khuôn mặt em hớt hơ hớt hãi, em bước lại gần bác tài xế, giọng run run:
"Bác ơi!…Bác có thể đợi mẹ cháu một lát rồi hãy lái xe được không ạ?".
Tài xế vẫn im lặng, những vị khách vội vã đi làm hoặc những người vội đi học bắt đầu cằn nhằn, họ nói rằng dựa vào cái gì mà bắt bao nhiêu người đứng đợi một người, họ bắt đầu trách móc tài xế, trách móc cậu bé:
"Nhóc kia, mày dựa vào cái gì mà đưa ra yêu cầu thế chứ?"
"Xe bus công cộng chứ không phải xe của nhà mày đâu nhé!"
Một số người khác thì nói: "Tôi muốn xem mặt mũi mẹ nó thế nào mà lại bắt chúng ta phải đợi thế này, sinh mắt ra để đặt trên đầu sao?"
Mỗi người một câu khiến cậu bé vô cùng sợ hãi, đôi mắt đã ầng ậc nước.
Cậu vẫn kiên trì lại gần bác tài xế, giọng mếu máo đến tội nghiệp:
"Bác tài xế ơi, mẹ cháu sắp lên rồi, chú đợi mẹ cháu một lúc ạ!".
Tài xế lạnh lùng gật đầu một cái. Trong đôi mắt cậu ánh lên sự phấn khởi…
Một lúc sau, một người phụ nữ trung niên chân thấp chân cao nặng nhọc bước lên từ cửa sau, người phụ nữ đó vội vàng nói: "Thật xin lỗi! Xin lỗi mọi người vì đã để mọi người chờ lâu!".
Nhìn thấy mẹ bước lên xe, cậu bé vui mừng chạy lại phía mẹ và cầm lấy thẻ xe bus lại đầu cửa để dập thẻ giúp mẹ.
Một người tốt bụng gần đó nhường ghế cho mẹ cậu, người mẹ tàn tật mệt mỏi ngồi xuống và ôm lấy cậu bé.
Cậu bé lúc này toàn thân run rẩy, hai hàng nước mắt tuôn dài.
"Sao thế con? Trong người có chỗ nào không khỏe à?".
Cậu bé lắc đầu, tất cả những hành khách trên xe lúc này đều im lặng.

Nghĩ đến những lời nói cay độc của những người không hiểu rõ mọi chuyện lúc nãy, nghĩ đến hình ảnh cậu bé không ngừng lấy tay lau nước mắt, người đọc không khỏi cảm thấy xót xa. Giá như xã hội chúng ta, con người biết khoan dung hơn, hiểu biết hơn thì tốt biết mấy!.

Hai bát phở – sự hiếu thảo
Riêng tặng những người con hiếu thảo
Vào một buổi chiều a xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai còn rất trẻ, trạc mười bảy, mười tám tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng vẫn không dấu nổi nét thư sinh, dường như cậu vẫn đang là học trò phổ thông…
Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: “Cho hai bát phở bò!”, cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm một bát phở cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành thôi. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát phở thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, chắc là tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.
Người bồi bàn nhanh nhẹn bưng lên ngay hai bát phở nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát phở bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: “Cha, có phở rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”.. Rồi cậu ta tự bưng bát phở nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con.
“Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội.” Ngến chười cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khio tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát phở mà biết bao nhiêu là thịt.” Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, được sắt mỏng như lá lúa. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ… ừ, con ăn nhanh lên, ăn phở bò thực ra cũng có chất lắm đấy.”
Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương bồi bàn từ bếp đi ra, bê một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ làm dấu ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò.” Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỷ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.
Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt bỏ vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng

Chuyện chiếc bát gỗ

Một cụ già gầy yếu dọn đến sống cùng con trai, con dâu và đứa cháu trai mới tròn 4 tuổi. Ông cụ hai tay run rẩy, mắt đã mờ, đôi chân loạng choạng. Mỗi bữa, cả gia đình cùng nhau quây quần bên bàn ăn. Nhưng đôi bàn tay lẩy bẩy của ông cụ cùng đôi mắt kèm nhèm khiến cho việc ăn uống trở nên khó khăn. Những hạt đậu rớt từ thìa xuống sàn nhà. Khi ông cố với tay lấy chiếc cốc, sữa tràn ra, đổ lên khăn trải bàn. Trước sự hỗn độn mà cụ già gây ra, người con trai và con dâu vô cùng bực dọc. Anh chồng bảo vợ: "Chúng ta phải làm gì đó về cha thôi. Tôi đã chán ngấy cảnh sữa đổ, ăn uống ồn ào và thức ăn trên sàn rồi." Thế rồi, cặp vợ chồng bắt đầu đặt một chiếc bàn nhỏ trong góc nhà. Ông cụ phải ăn một mình ở đó, trong khi những người còn lại trong nhà thì quây quần bên bàn ăn.
Vì cụ già đã làm vỡ vài cái bát, thức ăn của ông được cho vào một chiếc bát gỗ. Thỉnh thoảng, khi cặp vợ chồng liếc nhìn cha mình cô quạnh ở góc phòng, họ nhìn thấy trong đôi mắt ông là nước mắt. Thế nhưng, những lời duy nhất mà họ nói với ông chỉ là trách móc nặng nề mỗi lần ông làm rơi muỗng hay đánh đổ thức ăn. Duy chỉ có đứa con 4 tuổi là quan sát mọi việc trong yên lặng. Một buổi tối trước bữa ăn, người cha thấy con trai mình đang nghịch với mấy mảnh gỗ vụn trên sàn. Anh ngọt ngào hỏi: "Này con trai, con đang làm gì thế?" Cũng bằng giọng ngọt ngào, cậu bé trả lời: "Ồ, con đang làm một chiếc bát nhỏ để bố mẹ đựng thức ăn khi con lớn lên." Thế rồi, cậu bé cười và quay trở lại với công việc của mình. Câu trả lời của đứa trẻ làm cặp vợ chồng sững sờ. Nước mắt bắt đầu tuôn rơi trên mặt họ. Mặc dù không nói nên lời, cả hai đều biết mình phải làm gì.
Tối hôm đó, người chồng cầm tay ông nội và nhẹ nhàng dẫn ông trở lại bàn ăn. Và từ đó, ông cụ luôn được dùng bữa với gia đình mình. Và bởi vì lý do nào đó, giờ đây, dù muỗng có rơi, sữa có trào, khăn trải bàn có dính bẩn, cả hai vợ chồng người con đều không để tâm nữa. Bài học rút ra: Gieo nhân nào, gặt quả nấy. Bất kể mối quan hệ giữa cha mẹ và bạn có thế nào, bạn sẽ vẫn rất nhớ khi họ không còn trong cuộc đời bạn nữa. Khi cha mẹ còn bên mình, hãy luôn tôn trọng, chăm sóc và yêu thương họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét